GƯƠNG PHỤ NỮ SẢN XUẤT GIỎI
Tạm rời xa quê hương Phú Yên vào Bình Dương lập nghiệp từ năm 1963, gia đình chị đã trải qua biết bao thăng trầm nơi đất khách quê người để ổn định cuộc sống.
Quyết định lập nghiệp trên một vùng quê nghèo khó của tỉnh Bình Dương, ở nơi đây người dân sống chủ yếu vào cây lúa, quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời nhưng cái nghèo vẫn bám lấy những người dân lam lũ. Nhận thấy việc làm giàu từ cây lúa rất khó, nếu không có thêm một nghề phụ nào chị quyết định thử vận mệnh với nghề trồng nấm. Và cũng từ đây, cây nấm như một duyên nợ, đã gắn bó với chị và gia đình 16 năm qua... Hiện nay, chị trở thành chủ trang trại nấm hàng đầu của tỉnh Bình Dương.
Được gia đình và bạn bè ủng hộ, chị đã tìm rất nhiều tài liệu để học hỏi. Thậm chí phải đi gõ cửa những nhà khoa học để học hỏi thêm về kỹ thuật nuôi trồng và điều trị bệnh cho nấm. Ngoài mục đích cải thiện cuộc sống cho gia đình, chị còn đặt lợi ích người nông dân lên hàng đầu. Mô hình trồng nấm vừa tốn ít chi phí, có lợi nhuận cao so với trồng lúa gấp hai mươi lần, lại ít vất vả, chỉ cần biết cách chăm sóc có thể nâng cao thu nhập cho bà con nông dân.
ảnh minh họa
Trang trại nấm Tấn Hưng của chị đã tạo cho 15 lao động nữ và 10 lao động nam có việc làm ổn định, luôn khích lệ và động viên tinh thần, bồi dưỡng tốt cho công nhân và xem công nhân là người thân trong gia đình, một tổ ấm được bao bọc bởi tình thương cao đẹp của chị. Tên tuổi của chị gắn liền với kĩ thuật trồng nấm đã vang xa, thu hút nhiều đơn vị, tổ chức, cá nhân đến học tập kinh nghiệm. Chị nhiệt tình truyền dạy kỹ thuật trồng nấm cho mọi người, với một suy nghĩ đơn giản là cùng giúp nhau làm giàu trên chính mảnh đất mình chọn lập nghiệp. Không chỉ giỏi về kinh doanh mà chị còn tích cực tham gia hoạt động Hội tại địa phương và tham gia công tác xã hội từ thiện. Với vai trò là UV.BCH Hội LHPN xã Long Hòa - Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ ấp Long Thọ, Chi hội người cao tuổi, Chi hội nông dân, Chữ Thập đỏ, thành viên CLB văn nghệ, CLB “Phụ nữ ngày nay” – Đề án 343. Chị đã cùng BCH Hội LHPN xã tích cực tuyên truyền đến chị em phụ nữ những đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và các Luật có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ và trẻ em. Hàng năm, bản thân chị cùng với Chi hội tổ chức thăm hỏi, động viên, tặng quà cho gia đình hội viên nghèo, khó khăn, bệnh tật, hỗ trợ cho 04 em học sinh nghèo hiếu học, vận động và ủng hộ xây nhà Đại đoàn kết, nhà tình thương, ủng hộ nồi cháo từ thiện ở TP.HCM với tổng số tiền: 63.000.000 đồng, cùng với Chi hội phụ nữ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, cùng chính quyền địa phương chung sức xây dựng nông thôn mới. Tục ngữ Việt Nam có câu “Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”. Nghiệm câu tục ngữ này, tôi cảm thấy tự hào và trân trọng với những gì mà chị đã giúp cho người nghèo trong suốt những năm qua. Chị Nguyễn Thị Minh Tấn xứng đáng là tấm gương vượt khó thoát nghèo điển hình cho bà con nông dân học hỏi. Sự thành công từ trang trại nấm của chị đã góp phần khẳng định vị thế của người nông dân làm kinh tế giỏi, cùng chung sức xây dựng nông thôn mới giàu đẹp . Với những cống hiến trên, trong năm 2014, chị Tấn vinh dự được Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam cấp giấy chứng nhận “Doanh nhân văn hóa – Nữ tướng thời bình”; Bằng khen của UBND tỉnh Bình Dương đã có thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất và công tác Hội góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Bình Dương.
Bích Thủy – Trích TTPN số 111 tháng 4/2015