Chị Trần Thị Hường – Hội viên phụ nữ làm kinh tế giỏi và nhiệt tình trong công tác Hội
Hưởng ứng phong trào thi đua "Phụ nữ Bình Dương có sức khỏe, có tri thức, sáng tạo, trách nhiệm", thời gian qua đã có nhiều tấm gương hội viên, phụ nữ trên địa bàn ấp Bình Thắng phát huy đức tính cần cù, chịu thương, chịu khó, tích cực trong học tập, lao động sản xuất, xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, hạnh phúc. Nhiều chị em phụ nữ đã biết vượt qua khó vươn lên làm kinh tế giỏi, ổn định cuộc sống gia đình và góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.
Chị Trần Thị Hường, sinh năm 1974 là hội viên chi hội phụ nữ ấp Bình Thắng, xã An Bình, huyện Phú Giáo. Xuất thân từ gia đình thuần nông, những năm đầu lập gia đình cuộc sống gia đình chị rất vất vả, khó khăn, điều kiện kinh tế chưa ổn định. Bản thân chị nhiều lúc thấy nản chí muốn bỏ cuộc, nhưng với bản tính chịu thương chịu khó, cố gắng phấn đấu nỗ lực làm giàu chính trên mảnh đất quê hương.
Năm 2018, chị Hường bàn bạc với gia đình đầu tư hơn 400 triệu đồng làm nhà màng trồng dưa lưới để thực hiện đam mê của mình. Đây là một phần từ nguồn vốn gia đình dành dụm được và nhờ sự giúp đỡ của Hội LHPN xã đã hướng dẫn cho chị vay thêm nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện từ nguồn giải quyết việc làm với số tiền 50.000.000 đồng và được các chị em trong Chi hội cho mượn thêm với số tiền 20.000.000 đồng vốn để phát triển kinh tế. Bước đầu xây dựng mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao, với hệ thống 03 nhà màng có diện tích 2.000m2/nhà. Mỗi nhà màng được đầu tư bao gồm hệ thống tưới nước tự động nhỏ giọt, giá thể, nhà lưới, do trồng trên giá thể nên việc xử lý bệnh cũng dễ dàng... Vụ đầu tiên, gia đình chị Hường đã thu được 10,5 tấn sản lượng/3 nhà màng, mang về lợi nhuận hơn 70 triệu đồng, sau khi trừ chi phí. Nhận thấy mô hình này tạo ra hiệu ứng phát triển kinh tế cao, đồng thời, tạo ra sản phẩm nông nghiệp sạch để cung cấp cho người tiêu dùng. Đến nay mỗi năm, vườn dưa của chị cho thu hoạch từ 150 - 200 triệu đồng (đã trừ chi phí). Không chỉ làm giàu cho bản thân, mô hình trồng dưa lưới của chị còn góp phần tạo việc làm cho 2 lao động nông thôn tham gia các công việc hàng ngày tại các nhà màng với mức thu nhập từ 200.000 - 300.000 đồng/ngày. Chị cũng thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm cho các chị, em hội viên, phụ nữ có nhu cầu phát triển kinh tế từ trồng dưa lưới.
Từ ý chí vươn lên, với đức tính cần cù, chịu thương chịu khó trong lao động, sản xuất, đến nay gia đình chị đã thoát nghèo, có thu nhập ổn định, có điều kiện nuôi dạy 02 con ăn học đầy đủ. Cuộc sống gia đình hòa thuận, hạnh phúc nhiều năm liền đạt hộ gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc.
Không chỉ đảm việc nhà, chị còn hăng hái tham gia hoạt động của Chi hội, chị là hội viên nòng cốt của Chi hội, chị luôn nhiệt tình tham gia các phong trào của địa phương, luôn chấp hành tốt chủ trương, chính sách phát luật của Nhà nước; thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm về kỹ thuật trồng dưa lưới, về thực hành tiết kiệm, chi tiêu hợp lý, vận động chị em đăng ký xây dựng gia đình "5 không, 3 sạch" gắn với xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, chị còn tích cực vận động các chị em không sinh con thứ 3, không để con cái tảo hôn, phòng chống bạo lực gia đình.
Với kết quả đó, năm 2024 chị được Hội LHPN xã An Bình tuyên dương và khen thưởng nhân dịp tổng kết phong trào công tác Hội. Chị là tấm gương điển hình về tính cần cù, sáng tạo, chung tay góp sức vào công việc xóa đói giảm nghèo, biết vươn lên làm giàu chính đáng; là gương sáng để chị em phụ nữ Chi hội ấp Bình Thắng nói riêng và chị em phụ nữ xã An Bình nói chung học tập và noi theo.
Ngưu Thị Thanh Phúc (An Bình)