Gương điển hình: Hội viên phụ nữ làm kinh tế giỏi
Trang trại vịt của gia đình chị Nghĩa ấp Cây Cam xã An Bình, huyện Phú Giáo
Những năm đầu khi mới lập gia đình cuộc sống gia đình chị Đậu Thị Đức Nghĩa thuộc Chi hội phụ nữ ấp Cây cam - xã An Bình- huyện Phú Giáo gặp rất nhiều khó khăn về kinh tế, chị Nghĩa đã chịu khó tìm tòi trên sách vở, báo mạng, các tài liệu hướng dẫn chăm sóc cây trồng, vật nuôi, học hỏi kinh nghiệm của người đi trước và đã áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quá trình phát triển kinh tế với mô hình nuôi vịt. Chị đã bàn với gia đình và mạnh dạn mua 100 con vịt về nuôi thử nghiệm tại vườn nhà. Vạn sự khởi đầu nan, do chưa có nhiều kinh nghiệm nên việc chăn nuôi đàn vịt đạt chất lượng không đồng đều, không thu được lãi. Nhưng chị Nghĩa đã không nản chí và cùng chồng tiếp tục nghiên cứu tài liệu, học hỏi, tham khảo thêm các kiến thức và được sự hỗ trợ vốn vay của Hội phụ nữ tín chấp, chị đã có thêm nguồn vốn để mua thức ăn và cơi nới thêm chuồng trại. Đến nay mô hình nuôi vịt của gia đình chị đã phát triển mạnh và được tiêu thụ rất nhanh, đảm bảo phục vụ khách hàng gần xa trong dịp Lễ, dịp Tết Nguyên đán, mỗi năm cho gia đình chị thu nhập trên 150 triệu đồng.
Từ kinh nghiệm thành công của gia đình, chị Nghĩa không ngần ngại chia sẻ những kinh nghiệm hay, những cách làm có hiệu quả trong sản xuất với bà con nhân dân trong ấp, trong xã, để họ tích cực tham gia thực hiện các mô hình do xã xây dựng, tích cực trong phát triển kinh tế, tham gia chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng mô hình mới, góp phần đẩy mạnh các phong trào, mô hình do phụ nữ đảm nhiệm... Nhờ thế, nhiều chị em trong ấp đã mạnh dạn làm theo và áp dụng các mô hình trồng trọt, sản xuất đạt hiệu quả tốt.
Chị Nghĩa tâm sự: “Có được thành quả này, là sự quyết tâm, nỗ lực cao của bản thân. Từ xuất phát điểm còn khó khăn về kinh tế và vật chất, nên bản thân tự động viên vượt khó vươn lên, cải thiện kinh tế gia đình. Bên cạnh đó là sự động viên, giúp đỡ của gia đình, các tổ chức đoàn thể, đặc biệt là hội phụ nữ xã đã tạo điều kiện cho tôi được học hỏi cách chăm sóc vật nuôi, phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi và nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Mặt khác, tôi thường xuyên tìm tòi học hỏi, tích lũy, trau dồi kinh nghiệm qua sách, báo và các phương tiện thông tin đại chúng... để áp dụng vào thực tế của gia đình mình”.
Dù tất bật với công việc gia đình, nhưng chị Nghĩa vẫn luôn tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ của Chi hội Phụ nữ ấp và Hội LHPN xã; chị luôn gương mẫu tham gia các phong trào ở địa phương, gia đình chị nhiều năm liên tục được nhận danh hiệu gia đình văn hóa. Bản thân chị Nghĩa cũng là một hội viên phụ nữ rất nhiệt tình với công tác hội, luôn tham gia nhiệt tình trong phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” ở cơ sở.
Với cách làm kinh tế của chị không những làm giàu cho gia đình mà còn là tấm gương sáng để chị em phụ nữ trên địa bàn mạnh dạn học và làm theo, dần tạo thành phong trào thi đua “Sản xuất giỏi”, “Xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Gia đình văn hóa” rất sôi nổi, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Có thể nói, chị Đậu Thị Đức Nghĩa là điển hình về tinh thần cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, biết vươn lên làm giàu chính đáng trên quê hương. Chị được mọi người trong ấp quý mến, tin yêu, được hội LHPN các cấp ghi nhận. Chị còn là một tấm gương tiêu biểu để nhiều chị em học tập, làm theo.
An Bình