Một số điểm mới của Luật BHXH 2014
Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) 2014 sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2016 với một số điểm mới như: Mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc; quy định về chế độ thai sản và các quy định về chế độ hưu trí…, cụ thể:
Đối tượng tham gia BHXH bắt buộc gồm: Người lao động (NLĐ) làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 đến dưới 3 tháng; người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương; người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn…
Về chế độ thai sản, Luật BHXH 2014 đã bổ sung thêm các trường hợp hưởng chế độ thai sản như: Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ; Lao động nam đang đóng BHXH có vợ sinh con… Bên cạnh đó, Luật BHXH 2014 cũng bổ sung quy định về chế độ thai sản của nam giới đó là người lao động nam có vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản 5 ngày làm việc đối với trường hợp sinh thường và 7 ngày làm việc đối với trường hợp sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi; 10 ngày làm việc nếu sinh đôi và thêm 3 ngày/1con nếu sinh 3 trở lên; 14 ngày làm việc nếu sinh 2 trở lên mà phải phẫu thuật…
Về chế độ hưu trí, Luật BHXH 2014 bổ sung quy định lao động nữ là người hoạt động chuyên trách hoặc không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn tham gia BHXH khi nghỉ việc mà có từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm đóng BHXH và đủ 55 tuổi thì được hưởng lương hưu…
Ngoài ra Luật này cũng bổ sung quy định về Bảo hiểm hưu trí bổ sung – là chính sách BHXH mang tính chất tự nguyện nhằm mục tiêu bổ sung cho chế độ hưu trí trong BHXH bắt buộc, có cơ chế tạo lập quỹ từ sự đóng góp của NLĐ và người sử dụng lao động dưới hình thức tài khoản tiết kiệm cá nhân, được bảo toàn và tích lũy thông qua hoạt động đầu tư theo quy định của pháp luật và được nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động và NLĐ tham gia.
Trích Báo Phụ nữ Việt Nam số 155 ngày 28/12/2015