Phụ nữ Việt Nam rèn luyện bốn phẩm chất "Tự tin, Tự trọng, Trung hậu, Đảm đang", Phụ nữ Bình Dương tích cực hưởng ứng
phong trào "Phụ nữ Bình Dương có sức khỏe, có tri thức, sáng tạo, trách nhiệm" góp phần xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới

Thứ sáu, ngày 02/05/2025,
Đoàn kết - Trách nhiệm - Sáng tạo - Phát triển. Chủ đề Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3/2023 do Liên hợp quốc chọn là: “Kỹ thuật số cho tất cả mọi người: Đổi mới sáng tạo và công nghệ vì bình đẳng giới”

Chiến thắng Tua Hai, giá trị lịch sử và bài học thời sự

07/01/2020
QĐND - Ngày 6-1, tại tỉnh Tây Ninh, Bộ Quốc phòng chủ trì phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và Tỉnh ủy Tây Ninh tổ chức Hội thảo khoa học cấp Quốc gia “Chiến thắng Tua Hai-Mở đầu cao trào Đồng khởi ở Nam Bộ”, nhân dịp kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Tua Hai (26-1-1960 / 26-1-2020).

Hội thảo cấp Quốc gia “Chiến thắng Tua Hai – Mở đầu phong trào đồng khởi ở Nam Bộ”

Dự hội thảo có các đồng chí: Trương Vĩnh Trọng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó thủ tướng Chính phủ; Trương Mỹ Hoa, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó chủ tịch nước; Thượng tướng Lê Chiêm, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng ban chỉ đạo hội thảo; Thượng tướng Nguyễn Thành Cung, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Phó trưởng ban chỉ đạo hội thảo; Võ Văn Phuông, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương. Tham dự hội thảo có gần 400 đại biểu là đại diện lãnh đạo một số bộ, ban, ngành Trung ương, các cơ quan Bộ Quốc phòng, Bộ tư lệnh Quân khu 7, các học viện, nhà trường, lãnh đạo một số tỉnh, thành phố phía Nam, các nhà khoa học, nhân chứng lịch sử... Hội thảo nhận được hơn 70 báo cáo tham luận.

Nghị quyết Trung ương 15 - quyết sách lịch sử

Báo cáo đề dẫn hội thảo của Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa nêu rõ: Ngày 26-1-1960, hiện thực hóa Nghị quyết Trung ương 15, Xứ ủy Nam Bộ đã lãnh đạo LLVT miền Đông Nam Bộ phối hợp với quân, dân tỉnh Tây Ninh làm nên chiến thắng Tua Hai. Chiến thắng là bước ngoặt quyết định phong trào cách mạng-mở đầu cao trào Đồng khởi ở Nam Bộ, đưa cách mạng miền Nam vượt qua khó khăn thử thách, từ thế giữ gìn lực lượng, chuyển sang thế tiến công; từ đấu tranh chính trị lên đấu tranh chính trị kết hợp quân sự, giành nhiều thắng lợi. Chiến thắng khẳng định tính đúng đắn của Nghị quyết Trung ương 15.

Các đại biểu tham dự hội thảo

Tháng 7-1954, Hiệp định Giơnevơ được ký kết. Song, với toan tính từ trước, đế quốc Mỹ từng bước thay thế thực dân Pháp, âm mưu chia cắt lâu dài Việt Nam, biến miền Nam Việt Nam thành quốc gia thân Mỹ, ngăn chặn làn sóng cách mạng ở Đông Nam Á. Với dã tâm đó, Mỹ tăng cường viện trợ cho chính quyền Ngô Đình Diệm và quân đội Sài Gòn, ráo riết thực hiện các kế hoạch “tố Cộng, diệt Cộng”… hòng triệt phá lực lượng cách mạng, khuất phục nhân dân ta. Âm mưu và những hành động thâm độc của địch gây nhiều đau thương, mất mát cho đồng bào miền Nam, đặt phong trào cách mạng nước ta trước những thử thách mới.

Trước diễn biến của tình hình đó, từ đúc rút thực tiễn đấu tranh cách mạng miền Nam, tháng 1-1959, Trung ương Đảng triệu tập Hội nghị lần thứ 15, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau khi phân tích sâu sắc tình hình trong nước, bối cảnh quốc tế và khu vực, tương quan lực lượng giữa ta và địch, hội nghị quyết định chuyển hướng chỉ đạo cách mạng miền Nam từ đấu tranh chính trị tiến lên kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang bằng phương pháp khởi nghĩa từng phần, tiến lên tổng khởi nghĩa giành chính quyền; chủ động đánh trận có sức thôi động trong toàn miền Nam, thúc đẩy phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng.

Dưới ánh sáng của Nghị quyết Trung ương 15, Xứ ủy Nam Bộ kịp thời chỉ đạo đảng bộ các địa phương miền Nam tăng cường xây dựng LLVT và hoạt động vũ trang, hỗ trợ quần chúng nổi dậy diệt ác, phá kềm. Nghị quyết đáp ứng yêu cầu cháy bỏng đấu tranh của quần chúng “như một thùng thuốc súng chỉ chờ mồi lửa”. Nghị quyết Trung ương 15 là mốc lịch sử quan trọng, nhân tố quyết định tình hình thắng lợi của cách mạng, đánh dấu bước phát triển mới về tư duy lý luận và chỉ đạo thực tiễn, thể hiện tầm cao trí tuệ, tài thao lược của Đảng trong đấu trí với địch. Những quyết sách của Nghị quyết Trung ương 15 đã đáp ứng xu thế phát triển tất yếu của cách mạng miền Nam. Thực hiện nghị quyết, Xứ ủy Nam bộ chủ trương tiến hành một cuộc tiến công quân sự nhằm gây tác động mạnh trên chiến trường toàn miền Nam, mở đầu phong trào Đồng khởi ở Nam Bộ.

Mở đầu cao trào Đồng khởi vũ trang ở Nam Bộ

Căn cứ Tua Hai nằm trên địa phận xã Đồng Khởi, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh, là cứ điểm do trung đoàn 32 (sư đoàn 21) của địch chiếm giữ, đồng thời là kho dự trữ chiến dịch quan trọng của địch trên hướng này. Từ nghiên cứu, phân tích chiến trường, Xứ ủy Nam Bộ đã nhạy bén quyết định tiến công căn cứ Tua Hai. Vì nếu căn cứ Tua Hai bị tiêu diệt sẽ gây rúng động hệ thống phòng ngự của địch và ta có thêm vũ khí phát triển LLVT, mở rộng đồng khởi. Rạng sáng 26-1-1960, bằng cách đánh áp sát, Ban Quân sự miền Đông phối hợp với quân, dân Tây Ninh tổ chức trận tập kích căn cứ Tua Hai, giành thắng lợi, diệt tại chỗ 76 tên và bắt, giáo dục, thả tại chỗ 400 tên, thu 1.500 khẩu súng...

Chiến thắng kiểm nghiệm khả năng tác chiến vũ trang của LLVT miền Đông Nam Bộ. Chiến thắng vượt khỏi phạm vi một trận đánh thông thường, đánh dấu bước phát triển mới về trình độ tổ chức, chỉ huy hiệp đồng tác chiến của LLVT miền Nam, là nét phát triển độc đáo của nghệ thuật quân sự Việt Nam. Đó là nghệ thuật chọn đúng, trúng mục tiêu, nghệ thuật tạo thời cơ, nắm bắt thời cơ, bí mật, bất ngờ tiến công địch. Đó là nghệ thuật chỉ đạo, tổ chức và điều hành trận đánh; nghệ thuật kết hợp đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị, binh vận; nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng, kết hợp nhuần nhuyễn cách đánh đặc công với cách đánh tập kích của binh chủng hợp thành và sự nổi dậy của quần chúng.

Ông Lê Văn Thành, nguyên cán bộ LLVT tỉnh Tây Ninh, trực tiếp tham gia trận đánh nhớ lại: Nhằm tạo thế, các tổ chức đảng tích cực vận động nhân dân đòi quyền dân sinh, dân chủ và xây dựng cơ sở nội tuyến trong lòng địch, sẵn sàng mai phục, tích cực vận động binh lính địch chống lại lệnh luyện tập, tuần tra, làm mất trật tự trong hàng ngũ địch, gây tâm lý mâu thuẫn trong nội bộ địch. Lúc đó địch kìm kẹp dữ, nhân dân không cựa quậy được. Nhân dân uất ức lắm! Được các tổ chức Đảng cơ sở giác ngộ, nhiều quần chúng, có cả bà con đạo Cao Đài đã tạo vỏ bọc hợp pháp, như mở tiệm may, làm ruộng rãy quanh căn cứ Tua Hai đã nắm được tình hình địch, cung cấp nhiều thông tin cho chỉ huy trận đánh. Trong và sau khi kết thúc trận đánh, quần chúng, tự vệ xông vào kho súng của địch lấy vũ khí chiến đấu.

Nhiều tham luận tại hội thảo đã phân tích sâu, làm rõ ý nghĩa to lớn của Chiến thắng Tua Hai đã củng cố niềm tin thắng lợi cho quân và dân, bằng phương pháp quân sự kết hợp với đấu tranh tiến công, với đấu tranh nổi dậy của quần chúng. Trong đó, hoạt động quân sự là chủ yếu đã kịp thời hỗ trợ quần chúng đấu tranh thắng lợi, làm địch không thể đàn áp quần chúng như trước. Sự có mặt tác chiến của LLVT đã phát huy cao độ vai trò quần chúng nổi dậy. Đây là hai mặt của một vấn đề, một mục tiêu tác động qua lại biện chứng với nhau tạo sức mạnh đồng khởi, đồng bộ giành thắng lợi. Các đại biểu, nhà khoa học tham dự hội thảo có chung đánh giá: Đây là nét đặc sắc, độc đáo của chiến tranh cách mạng và nghệ thuật dùng bạo lực cách mạng, chiến tranh cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng… Đây cũng chính là những căn cứ khoa học và thực tiễn, lý giải vì sao Chiến thắng Tua Hai có ý nghĩa mở đầu cao trào Đồng khởi ở Nam Bộ...

60 năm, bài học lịch sử vẹn nguyên giá trị

Tùy địa hình, tình hình địch-ta, các địa phương, đơn vị miền Nam đã tích cực xây dựng lực lượng, thực hiện nhiều phương thức tác chiến kết hợp chính trị với quân sự, đánh địch trên cả 3 vùng chiến lược (rừng núi, nông thôn, thành thị) và đánh địch bằng 3 mũi giáp công (quân sự, chính trị, binh vận); kết hợp chiến tranh du kích với tác chiến chính quy; kết hợp đánh lớn, đánh vừa, đánh nhỏ, đã đánh sập bộ máy chính quyền ngụy ở cơ sở, xây dựng chính quyền cách mạng, làm thay đổi cục diện chiến tranh, giành thế tiến công đẩy địch về thế bị động, buộc chúng phải đánh theo cách đánh của ta. Đến cuối năm 1960, toàn miền Nam có 800 xã, nhân dân nổi dậy giành chính quyền và tiếp tục vận dụng phát triển sáng tạo trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi cuối cùng.

Hội thảo rút ra nhiều bài học kinh nghiệm. Đó là bài học tính độc lập, tự chủ, sáng tạo trong hoạch định đường lối cách mạng của Đảng; bài học chủ động, sáng tạo vận dụng quán triệt, thực hiện tốt các nghị quyết của Đảng; bài học về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong xây dựng LLVT, xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ; xây dựng LLVT ba thứ quân vững mạnh; xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng thế trận lòng dân, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc; tăng cường tiềm lực quốc phòng, tạo sức mạnh tổng hợp bảo vệ Tổ quốc...

Đồng chí Phạm Viết Thanh, Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh khẳng định: Trong chiến đấu và chiến thắng Tua Hai, quân dân Tây Ninh liên tiếp nổi dậy diệt ác, phá kềm, bức hàng, bức rút 50% đồn bốt trong tỉnh, giải phóng hoàn toàn 24 xã, giải phóng cơ bản 19 xã. Đồng khởi vũ trang nhanh chóng lan sang các tỉnh Long An, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai và TP Sài Gòn-Gia Định… Tinh thần, ý chí, sức mạnh đoàn kết quân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng trong Chiến thắng Tua Hai là bài học lịnh sử vô giá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong tập hợp lực lượng, phát huy sức mạnh tổng hợp trong công cuộc xây dựng quê hương Tây Ninh vươn lên giàu đẹp hiện nay.

Kết luận hội thảo, Thượng tướng Lê Chiêm nêu rõ: Hội thảo đã hoàn thành tốt các mục tiêu, nội dung, chương trình đề ra. Mỗi tham luận là một công trình nghiên cứu độc lập, luận giải từng vấn đề cụ thể, cung cấp nhiều luận điểm, luận cứ, tư liệu mới. Hội thảo là dịp để chúng ta học tập truyền thống, tri ân đồng bào, chiến sĩ đã ngã xuống vì độc lập tự do của Tổ quốc. Dù thời gian dần lùi xa, song Chiến thắng Tua Hai vẫn là một trong những sự kiện lịch sử có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Chiến thắng không chỉ có ý nghĩa quân sự mà còn có ý nghĩa chính trị to lớn đối với cách mạng miền Nam trong thời kỳ “chuyển mình”. Những kinh nghiệm, bài học rút ra từ Chiến thắng Tua Hai góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và còn nguyên giá trị, cần tiếp tục được nghiên cứu, vận dụng sáng tạo vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thời kỳ đổi mới.

Chiều cùng ngày, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh Tây Ninh long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày Chiến thắng Tua Hai (26-1-1960 / 26-1-2020). Dịp này, ban tổ chức hội thảo và lãnh đạo tỉnh Tây Ninh đã thực hiện nhiều hoạt động ý nghĩa trên địa bàn; thăm hỏi, chúc Tết đại biểu gia đình người có công; tri ân đảng bộ, nhân dân vùng căn cứ kháng chiến, nơi diễn ra phong trào quật khởi Chiến thắng Tua Hai...

Bài và ảnh: NGUYỄN DUY HIỂN - www.qdnd.vn

 

Hội LHPN tỉnh BD chúc mừng năm mới 2025