Phụ nữ Việt Nam rèn luyện bốn phẩm chất "Tự tin, Tự trọng, Trung hậu, Đảm đang", Phụ nữ Bình Dương tích cực hưởng ứng
phong trào "Phụ nữ Bình Dương có sức khỏe, có tri thức, sáng tạo, trách nhiệm" góp phần xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới

Chủ nhật, ngày 04/05/2025,
Đoàn kết - Trách nhiệm - Sáng tạo - Phát triển. Chủ đề Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3/2023 do Liên hợp quốc chọn là: “Kỹ thuật số cho tất cả mọi người: Đổi mới sáng tạo và công nghệ vì bình đẳng giới”

Đồng cảm về giới và tình người

19/08/2015
Có lẽ chuyện "làm dâu" trong mỗi gia đình Việt Nam hay bất cứ nơi nào trên thế giới từ xưa đến nay, lúc nào cũng có khúc mắc. Thế kỉ XXI, trước xu thế hội nhập toàn cầu hóa, quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài không còn là chuyện "xưa nay hiếm". Nhận thức được luồng gió mới này, Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam tổ chức xuất bản bộ sách "Làm dâu xứ lạ" nhằm giới thiệu với bạn đọc những nét văn hóa khá phong phú về cuộc sống hôn nhân của phụ nữ Việt Nam khi kết hôn với người nước ngoài.

       Có lẽ chuyện "làm dâu" trong mỗi gia đình Việt Nam hay bất cứ nơi nào trên thế giới từ xưa đến nay, lúc nào cũng có khúc mắc. Thế kỉ XXI, trước xu thế hội nhập toàn cầu hóa, quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài không còn là chuyện "xưa nay hiếm". Nhận thức được luồng gió mới này, Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam tổ chức xuất bản bộ sách "Làm dâu xứ lạ" nhằm giới thiệu với bạn đọc những nét văn hóa khá phong phú về cuộc sống hôn nhân của phụ nữ Việt Nam khi kết hôn với người nước ngoài.

       Ở Việt Nam, người con gái lập gia đình và về ở bên nhà chồng gọi là đi làm dâu: làm dâu gia đình ấy, làm dâu họ tộc ấy, làm dâu làng ấy… nay là làm dâu nước ấy. Trong phận làm dâu người phụ nữ gặp nhiều bỡ ngỡ, mâu thuẫn nhưng khó khăn nhất vẫn là chuyện "mẹ chồng nàng dâu". Bộ sách "Làm dâu xứ lạ" là những tự truyện của các cô gái Việt Nam thành hôn với thanh niên nước ngoài, cũng là sự giao lưu văn hóa Việt Nam với cộng đồng thế giới bằng cuộc sống lứa đôi. Năm 2013-2014 Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam đã lần lượt xuất bản ba tập: "Làm dâu nước Đức" của Phan Hà Anh, "Làm dâu nước Pháp" của Hiệu - Constant, và "Làm dâu nước Anh" của Khanh - Record. Đây là tự truyện của bản thân mỗi tác giả về những từng trải, những kinh nghiệm sống và những cảm nhận tuyệt vời về hạnh phúc yêu thương cùng gia đình bên nhà chồng. Những câu chuyện "làm dâu" ở mỗi hoàn cảnh khác nhau, nhưng các tác giả đều có ngầm ý làm một việc so sánh tế nhị giữa tập quán sinh hoạt, phong tục, nghi lễ về quan hệ giữa mẹ chồng nàng dâu ở "xứ lạ" với "xứ mình".

Trong lịch sử phát triển, người phụ nữ Việt Nam đã từng chịu nhiều thiệt thòi về phận "làm dâu" với bao tủi nhục như nhân vật Loan trong "Đoạn Tuyệt" của Nhất Linh; Mai trong "Nửa chừng xuân" của Khái Hưng. Họ đều là những "nàng dâu" có đức, có tài, biết nhịn trên nhường dưới, biết nhẫn nhục chịu đựng để xây dựng tổ ấm gia đình, nhưng lại gặp nhiều bất hạnh, vẫn bị mẹ chồng đối xử nghiệt ngã, thiếu công bằng gây một bầu không khí căng thẳng, nặng nề bằng mặt mà không bằng lòng, giả tạo, lạnh lùng và rất nhiều nghi ngờ… Cuộc sống như vậy còn gì là hạnh phúc gia đình? Có lẽ do nếp sống khổ hạnh của nhiều người phụ nữ thời xưa đã biến thành thói quen ứng xử hà khắc, một tính xấu cần được xóa bỏ trong nếp sống văn hóa mới ngày nay. "Làm dâu xứ lạ" của Nhà xuất bản Phụ nữ cũng muốn truyền tải thông điệp đến bạn đọc "trông người mà nghĩ đến ta", để có thái độ kiên quyết từ bỏ những phong tục lạc hậu; cùng nhau xây dựng gia đình văn hóa hòa thuận. Trong "Làm dâu nước Đức", "Làm dâu nước Pháp", "Làm dâu nước Anh", mỗi tác giả có nhận thức riêng của mình về cuộc sống đời thường, tưởng là tản mạn nhưng lại thống nhất ở một điều là sự kết hợp của hai tâm hồn, cùng yêu thương nhau chân thành mong xây đắp hạnh phúc bền lâu, mong ăn đời ở kiếp, cùng chung sức xây dựng một tương lai tươi đẹp. Tình yêu của họ lay động từ trái tim, từ sự đồng cảm, từ ánh mắt và nụ cười. Họ gặp nhau, mặt nhìn mặt, nhanh như một tia chớp, tình cảm đã bùng lên rồi âm ỉ cháy trong tâm tưởng thành "yêu vụng nhớ thầm". Sau đó là những cuộc hẹn hò liên miên, biến thành hành động kiên quyết vượt qua những cản trở về phong tục, tập quán sống của gia đình mỗi bên. Các đôi tình nhân Phan Hà Anh - Effenberger; Hiệu - Constant và Khanh - Record đã hòa vào nền văn hóa thế giới khá dễ dàng vì họ yêu nhau thật sự, thật lòng! Cả ba tác giả đều có đồng quan điểm về việc làm kì diệu của mình là sinh con và nuôi dậy con cái thành người - một thiên chức của người mẹ, Shakespeare đã viết :“Kỳ diệu thay là con người. Con người cao quí làm sao về lí trí, vô tận làm sao về năng khiếu. Về hình dạng và dáng vóc có thể so sánh tài thượng đế. Thật là vẻ đẹp của thế gian, kiểu mẫu của muôn loài” (Hamlet). Mỗi cặp vợ chồng kể trên đều có hai con. Các con của họ đều biết hai ngôn ngữ: ngôn ngữ bên bố và ngôn ngữ bên mẹ. Trong cuốn : “Động từ tiếng Anh” giáo sư Trang Sỹ Long đã dẫn một câu tiếng Anh mà chúng ta rất nên ghi nhớ, trong hoàn cảnh hội nhập hiện nay. Câu đó, nguyên văn:“The man, who knows two languages is worth two men” (Một người biết hai thứ tiếng thì có giá trị bằng hai người) (NXB TP.HCM-1992). Anh Claude Constant chân thành nói với vợ rằng : Thấy em và các con vui là anh mãn nguyện lắm rồi ! Cảm ơn, em đã làm hậu phương vững chắc của anh (tr 165). Đối với con trẻ, không có chuyện gì mà chúng không nói với mẹ. Có lần bé Hà kể chuyện cho mẹ nghe, Hiệu – Constart có nghe nhưng tay và mắt vẫn để trên bàn phím, Hà gào tướng lên : “Mẹ cho là con kể không quan trọng hả? Vậy thì không kể cho mẹ nghe gì nữa hết(tr 187). Điều đó chứng tỏ : làm mẹ vô cùng khó; không chỉ ở chăm nuôi, dạy dỗ mà cả trong sinh hoạt vui chơi hàng ngày. Các em thường coi mẹ như một thiên thần (đúng như thế), cái gì cũng biết tuốt. Trong quá trình nuôi dạy con khôn lớn, người phụ nữ trẻ cùng trưởng thành nhiều mặt cả về kiến thức đời sống, cả về đức tính kiên trì trong mọi công việc nhằm tạo dựng nếp sống văn hóa hiện đại của gia đình.

       Lúc “cặp bồ” với Record, tác giả Hồng Khanh gặp một trường hợp bất ngờ lúng túng như “thợ vụng mất kim”. Ấy là vào một đêm “trăng khuyết”, chàng và nàng giãi bày tâm sự hết chuyện đông sang chuyện tây đã đến lúc : “mặt nhìn mặt càng thêm tươi”(Kiều), đột nhiên Record hỏi Khanh: Em đã có người yêu chưa ? làm cho Khanh lúng túng, trái tim như ngừng đập và tình cảm trào lên, rồi trả lời quấy quá không đúng với tấm lòng chân thật của mình: "Em có người yêu rồi và không muốn chia tay với người ấy" (tr.40), làm cho con tim thứ hai cũng loạn nhịp, hoảng loạn như người chiến binh nổ súng không trúng hồng tâm. Đó là kỉ niệm đáng nhớ nhất của Khanh và Record "Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy/ Ngàn năm chưa dễ đã ai quên" (Thế Lữ). Người đọc cảm nhận được sợi dây tình cảm của họ bền vững như keo sơn, gắn bó như da thịt mà trước hết là tình yêu mặn nồng, là nhân cách sống của dân tộc từ ngàn xưa truyền lại của người phụ nữ Việt Nam.

      Các tác giả là những người thông thạo ngôn ngữ bên chồng, là những dịch giả, nhà văn, là cầu nối giữa hai nền văn hóa của hai dân tộc mà vẫn là người vợ hiền thảo được chồng yêu thương quí mến hết mức và gia đình bên chồng nể trọng, được các con tôn vinh. Con của tác giả "Làm dâu nước Pháp" nói: "Mẹ là người tuyệt vời nhất" hoặc "Các món ăn mẹ nấu là ngon nhất" (tr.186). Đó là những lời vàng của con nói với mẹ. Người phụ nữ lấy chồng về "Làm dâu xứ lạ" là bước vào giai đoạn phải đổi mới mình nhiều nhất để hòa nhập vào nếp sinh hoạt khác mình đầy những thử thách cam go, và chỉ có một ý chí vượt qua với lòng tự tin vững chắc vào bản lĩnh của mình mới có được thành công. Chưa đầy ba năm Khanh đã sinh được hai con trai, bà mẹ chồng người Anh đã giục con trai đưa vợ đi đặt vòng tránh thai với thái độ thông cảm, thân thương (tr.109). Phan Hà Anh biểu hiện tình cảm của mình với mẹ chồng với lòng xúc động: "Bà không chỉ là mẹ chồng, mà còn là người mẹ thân thiết" (tr.56).

      Mẹ chồng nàng dâu thân tình, đồng cảm về giới tính và tình người là tình yêu sâu nặng, bền vững trong các truyện "Làm dâu xứ lạ" mà các tác giả muốn chia sẻ với các bạn nữ nước nhà, những người còn bị ám ảnh bởi hủ tục cũ, cần vươn lên đổi mới mình, đổi mới cuộc sống, chủ động tạo dựng tương lai. Người phụ nữ làm chủ gia đình và đổi mới từ gia đình là đổi mới quan trọng nhất, cơ bản của xã hội có văn hóa. Cách sống, cách ứng xử trong "Làm dâu xứ lạ" cũng là một việc chủ động hội nhập vào nền văn hóa thế giới trong xu thế hội nhập quốc tế hiện nay.

Lê Ngọc Y – Nguồn web Hội LHPN Việt Nam

Hội LHPN tỉnh BD chúc mừng năm mới 2025