Thúc đẩy vai trò của phụ nữ trong nền kinh tế xanh: "Chìa khóa" cho phát triển bền vững
Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trần Lan Phương (thứ 2 từ phải sang) cùng các đại biểu tham quan gian hàng phụ nữ khởi nghiệp trong khuôn khổ Diễn đàn Phụ nữ Việt Nam - Hàn Quốc lần thứ 11
Phụ nữ Việt Nam đang là lực lượng lao động chủ lực, có nhiều đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, đặc biệt là hành trình xây dựng một nền kinh tế xanh, bền vững.
Nỗ lực khởi nghiệp xanh
Thạc sỹ Trần Thị Mỹ Hải, người đạt giải Nhất cuộc thi "Phụ nữ khởi nghiệp" năm 2024 với dự án sản xuất xơ, sợi ngành dệt may từ lá dứa, chia sẻ, sau nhiều năm làm công tác nghiên cứu dệt may, chị quyết định khởi nghiệp với việc biến chất thải thực phẩm thành chất liệu phục vụ đời sống. Chị đã thành công và tạo ra những sản phẩm đầu tiên như áo dài, khăn, tất…
Điểm đặc biệt trong dự án khởi nghiệp của chị Mỹ Hải là sản xuất xơ dứa thô không cần dùng nước. Điều này vừa tiết kiệm chi phí, vừa tránh gây ô nhiễm môi trường. Tại cuộc thi khởi nghiệp, nhiều chuyên gia bày tỏ sự ngạc nhiên trước dự án "khởi nghiệp xanh" của chị và khi đến nơi sản xuất, khám phá từng công đoạn, mọi người đều dành lời khen cho ý tưởng và tiềm năng của dự án.
"Chúng tôi đã bố trí, thiết kế thành công máy sản xuất xơ thô với năng suất cao, đặc biệt phù hợp với nữ giới. Hiện nay tại Việt Nam chưa có đơn vị nào làm được bởi phần lớn máy móc phù hợp với thể chất của nam giới", chị Mỹ Hải cho biết.
Chị kỳ vọng sẽ triển khai được trên 52.000 ha dứa tại Việt Nam và tạo việc làm cho khoảng 16.500 lao động nữ trên toàn quốc.
Chị Trần Thị Mỹ Hải bên máy sản xuất của mình
Chọn con đường "sản phẩm xanh, sức khỏe xanh" trong hành trình xây dựng doanh nghiệp của mình, đại diện Công ty cổ phần Traphaco cho biết, ngay từ sớm, phương châm của doanh nghiệp là tập trung phát triển từ nguồn dược liệu xanh đến tiêu dùng xanh, sản phẩm xanh.
"Sản phẩm dược liệu của chúng tôi được trồng tại Việt Nam, quy hoạch bản đồ dược liệu phù hợp thổ nhưỡng, phù hợp tiêu chuẩn dược liệu sạch của thế giới. Việc thu hái có bảo tồn. Chúng tôi tạo ra thói quen thu hái đi liền với việc khai thác và phát triển bền vững tại nơi có vùng trồng dược liệu", đại diện Tranphaco chia sẻ.
Tại Việt Nam, phát triển xanh và bền vững là quan điểm xuyên suốt của Đảng và Chính phủ Việt Nam, đã được khẳng định trong Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và được cụ thể hóa bằng Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, của Chính phủ với các nhiệm vụ chiến lược như: Giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; xanh hóa sản xuất; xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững…
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tỷ lệ phụ nữ tham gia lực lượng lao động khoảng 62,6%. Tỷ lệ lao động nữ trong lực lượng lao động của ngành nông nghiệp là 47,4%. Riêng tại các hợp tác xã, tỷ lệ này lên đến 80%.
Tỷ lệ nữ giám đốc/chủ doanh nghiệp, quản lý hợp tác xã chiếm 28,2%. Các số liệu này cho thấy phụ nữ Việt Nam đang là lực lượng lao động chủ lực, có nhiều đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Đồng hành cùng phụ nữ trong hành trình phát triển kinh tế xanh
Là tổ chức đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, thời gian qua, Hội LHPN Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực để hỗ trợ phụ nữ tham gia phát triển kinh tế xanh.
Nhiều sáng kiến, ý tưởng về "sản xuất sạch, chế biến sạch, tiêu dùng sạch", mô hình "phụ nữ sống xanh" được phụ nữ cả nước hưởng ứng.
Ngày phụ nữ khởi nghiệp với chủ đề "Phụ nữ và tương lai của nền kinh tế xanh" năm 2019, "Phụ nữ khởi nghiệp nâng tầm thương hiệu sản phẩm OCOP" năm 2022, "Phụ nữ khởi nghiệp phát huy tài nguyên bản địa" năm 2023 và "Phụ nữ khởi nghiệp, sáng tạo và chuyển đổi xanh" năm 2024 được tổ chức triển khai trong toàn hệ thống Hội.
Hoạt động này đã khuyến khích phụ nữ cả nước tham gia, trong đó có nhóm phụ nữ dễ bị tổn thương, góp phần phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp xanh.
Các cấp Hội cũng hướng dẫn, hỗ trợ hội viên, phụ nữ xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế sinh học - tuần hoàn - xanh, gắn với nông nghiệp bền vững. Các mô hình sử dụng năng lượng mặt trời để phát triển sinh kế, mô hình tận dụng vật liệu tái chế (như biến rác thành bảo hiểm y tế, sổ tiết kiệm cho hội viên nghèo) được xây dựng và nhân rộng ở nhiều địa phương.
Hội cũng phối hợp chặt chẽ với ngành ngân hàng để hỗ trợ phụ nữ tiếp cận vốn tín dụng xanh phát triển sản xuất, kinh doanh; tổ chức nhiều hội thảo, diễn đàn với chủ đề liên quan nhằm đưa ra những sáng kiến, giải pháp giúp phụ nữ cũng như cộng đồng thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh.
Tại các hội thảo, diễn đàn do Hội LHPN Việt Nam tổ chức vừa qua, các chuyên gia cho rằng, cần xóa bỏ rào cản, định kiến giới và khuyến khích phụ nữ tham gia vào nền kinh tế xanh nhằm bảo đảm điều kiện lao động tốt cho phụ nữ.
Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, phụ nữ cần tích cực học tập, trau dồi kỹ năng, tăng cường nghiên cứu để làm chủ tri thức, chủ động nâng cao nhận thức về yêu cầu xanh hóa nền kinh tế; đẩy mạnh áp dụng các quy trình sản xuất và công nghệ thân thiện với môi trường, bảo đảm sản phẩm có chất lượng tốt, an toàn đối với người tiêu dùng.
Cùng với đó, các cơ quan, tổ chức tích cực hỗ trợ, liên kết các sản phẩm với thị trường, giúp phụ nữ đưa hàng hóa xanh đến với người tiêu dùng.
Ảnh minh họa
Báo PNVN